Thực trạng KĐT Trung Hòa-Nhân Chính sau gần 1 thập niên sử dụng - Trang chủ | Vinaconex

EN

Thực trạng KĐT Trung Hòa-Nhân Chính sau gần 1 thập niên sử dụng

Tue , 25/03/2014, 09:41:52 (GMT+7)

Người dân nói gì?

9h sáng, tại tầng 25 của tòa 34T KĐT Trung Hòa- Nhân Chính, chị H (không muốn nêu tên) cặm cụi đưa từng nhát cây lau nhà, dọc theo cái hành lang dài hun hút. Chốc chốc chị lại nhúng đầu giẻ vào xô nước lau nhà, cho vào chậu vắt, rồi lại lau tiếp... Chị H là 1 trong 6 lao công phụ trách dọn vệ sinh công cộng cho tòa nhà cao nhất KĐT Trung Hòa- Nhân Chính, bao gồm hành lang tất cả càng tầng, tầng hầm, sân trước, hiên sau...và cả 9 thang máy chính của tòa nhà.
 

Thực trạng KĐT Trung Hòa-Nhân Chính sau gần 1 thập niên sử dụng
KĐT Trung Hòa- Nhân Chính, Hà Nội nhìn từ hướng Trung tâm Hội nghị Quốc gia
 

Bác Hải, một trong những cư dân về sống tại KĐT này từ ngày đầu, đi ngang qua khen: “Khu này được cái phí dịch vụ vừa phải mà vệ sinh lúc nào cũng sạch sẽ”. Chúng tôi tiện thể tự giới thiệu và xin phép được vào nhà bác để mục sở thị cuộc sống của một gia đình tại đây. Có lẽ không gì thực tế hơn là phán ảnh của người dân hàng ngày hàng giờ sinh hoạt tại tòa nhà về thực trạng của chính nó.

Mỗi tầng của tòa nhà này bao gồm 12 căn hộ, song đáng ngạc nhiên là không có nhà nào làm lớp cửa sắt bảo vệ bên ngoài cửa chính ra-vào bằng gỗ, điều thường thấy ở nhiều khu chung cư khác.

Bác Hải bảo: “An ninh ở đây tương đối tốt mà cháu, lúc nào cũng có camera theo dõi 24/24h. Hơn nữa, không lắp cửa sắt cũng là để đảm bảm an toàn phòng chống cháy nổ theo quy định chung”, nói rồi bác chỉ cho chúng tôi thấy 2 đầu hành lang có gắn 2 chiếc camera nhỏ, treo ngay chính giữa bức tường.
 

Thực trạng KĐT Trung Hòa-Nhân Chính sau gần 1 thập niên sử dụng
Đây là một trong những KĐT kiểu mẫu, hiện đại đầu tiên của Hà Nội,
đưa vào sử dụng đã gần 10 năm

 

Nhà bác Hải rộng gần 150m2 chia thành 3 phòng ngủ, 3 vệ sinh, phòng khách, phòng ăn, bếp... khá hợp lý. Đang tham quan nhà bác, chúng tôi giật mình khi nghe tiếng loa nội bộ vang lên khá to, nhắc nhở cư dân và các văn phòng về vấn đề phòng chống cháy nổ chung. Bác Hải cho biết, từ phòng quản trị dưới tầng 1, lâu lâu tổ trưởng, tổ phó, nhân viên công ty quản lý tòa nhà sẽ nhắc qua loa: từ ngày giờ đóng tiền phí dịch vụ, tiền nước, tiền trông giữ xe... đến như giờ giấc họp hành sinh hoạt chung của 2 tổ dân phố 35 và 36 (Cả tòa  nhà 34T chia thành 2 tổ dân phố- p.v).

Hỏi chuyện, chúng tôi được biết, hiện nay phí dịch vụ của các hộ dân sinh sống tại KĐT Trung Hòa-Nhân Chính là 120.000đ/hộ/tháng. Tuy nhiên với các công ty thuê trụ sở tại đây, do đông người nên mức phí cao hơn rất nhiều. Tiền gửi xe máy hiện đang là 40.000đ/xe/tháng, theo quy định chỉ cư dân mới được gửi xe máy tại khu vực riêng dưới tầng hầm, còn tất cả nhân viên văn phòng phải gửi bãi ngoài trời, nằm bên hông tòa nhà.

Riêng phí gửi xe ôtô là 800.000đ/xe/tháng (trong hầm) và 600.000đ/xe/tháng (2 bãi ngoài trời), đây có thể coi là mức giá khá hợp lý vào thời điểm hiện tại, khi so sánh với nhiều khu tập thể cũ của Hà Nội tự trông giữ xe máy (thậm chí như khu Thanh Xuân Bắc còn không nhận trông xe máy số) với giá khoảng 200.000đ/xe/tháng; còn ôtô phổ biến giao động từ 1,2 triệu- 1,8 triệu đồng/xe/tháng, ở tất cả các quận nội thành.

Rời nhà bác Hải, chúng tôi sang một hộ dân khác tại tòa 24T1. Lối vào cửa tòa nhà này bị thu hẹp bởi nhiều xe máy để tràn khu vực trước cửa, đây cũng là một trong những điều cư dân phàn nàn. Lên tầng 18, gõ cửa nhà chị Gi (không muốn nêu tên), cũng là một trong những hộ dân đầu tiên chuyển về sinh sống khi KĐT Trung Hòa- Nhân Chính đi vào khai thác hồi năm 2006, được chị niềm nở đón vào nhà.

Thực trạng KĐT Trung Hòa-Nhân Chính sau gần 1 thập niên sử dụng
Hành lang các tầng trong tòa nhà khá sạch sẽ do được lau chùi thường xuyên
 

Chị Gi cho hay, các tòa 17T, 18T và 24T không có được khu vực sân rộng rãi như tòa 34T. Tuy nhiên đây là sân chung cho cả khu, nên mọi người thường đến sinh hoạt. Vào buổi chiều, chị Gi thường tham gia một lớp tập thể dục nhịp điệu ở góc sân này. Đám trẻ con nhà chị Gi cũng suốt ngày xuống sân trượt patin, đạp xe.

Về tình hình sinh hoạt chung, chị Gi nhận xét: “Hồi đầu cư dân chưa ổn định thì cũng nhiều vấn đề lắm, có người đứng từ ban công ném thẳng túi rác xuống đất, trúng cả kính xe ô tô. Chỗ hóa vàng mã đặt dưới sân, nhưng có người lại thích hóa ở...ban công, sợ các cụ không nhận được. Báo hại bảo vệ chạy lên nhắc nhở. Rồi hết tết, có người còn nhét cả cành đào tướng vào ống thả rác, gây tắc... Nhưng dần thì hết rồi. Còn tình trạng chật chội thì cũng giống như các khu vực khác của thành phố, qua thời gian, ngày càng đông người lên”.

KĐT an toàn

Ông Nguyễn Thế Mạnh, Trưởng phòng Quản lý đô thị Công ty Vinasinco, cho biết: KĐT Trung Hòa- Nhân Chính có khoảng 2.400 căn hộ, hiện có khoảng 95% là các hộ dân sinh sống với gần 1 vạn người. Còn lại 5% được các chủ hộ cho văn phòng hoặc người nước ngoài thuê sử dụng.
 

Thực trạng KĐT Trung Hòa-Nhân Chính sau gần 1 thập niên sử dụng   Thực trạng KĐT Trung Hòa-Nhân Chính sau gần 1 thập niên sử dụng
Hệ thống chữa cháy và camera an ninh tại các tầng
 

Do thiết kế từ những năm 1999-2000, nên các tòa nhà chỉ có 1 tầng hầm. Hiện nay khi nhu cầu sử dụng ô tô của cư dân tăng cao, dẫn đến việc thiếu chỗ để trong tầng hầm. Công ty Vinasinco đã bố trí thêm 2 bãi trông giữ ngoài trời, chỉ phục vụ cư dân các tòa nhà. Tương tự là các bãi trông xe máy, cũng không trông xe của khách vãng lãi. Các bãi xe này lập nên với sự đồng thuận của Ban quản trị tòa nhà. Lợi nhuận từ các bãi xe được bù vào giá dịch vụ trông xe cho cư dân, để đảm bảo mức giá ổn định, theo thông tư 37 Bộ Xây dựng.

Về công tác PCCC, hàng năm đơn vị đều phối hợp với Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội và Phòng Cảnh sát PCCC các quận Cầu Giấy, Hoàng Mai tổ chức tập huấn cho người dân. Trong đó riêng tòa nhà 34T, do chiều cao đặc thù, thuộc sự kiểm soát của Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội.
 

Thực trạng KĐT Trung Hòa-Nhân Chính sau gần 1 thập niên sử dụng
34T là tòa nhà cao nhất ở KĐT Trung Hòa- Nhân Chính
hiện cũng là tòa nhà cao thứ 3 của TP.Hà Nội

 

Vì KĐT được thiết kế và đi vào hoạt động trước khi có Luật Nhà ở 2005, nên ban đầu không có phòng sinh hoạt cộng đồng. Hiện nay đã bố trí được 2 điểm để bà con sử dụng đó là hội trường nhà 34T (cụm Trung Hòa) và văn phòng 6 tòa 17T7- 17T8 (cụm Nhân Chính). Công ty đầu tư cơ bản và trả tiền điện cho 2 phòng sinh hoạt cộng đồng này, giao cho người dân sử dụng trong các hoạt động như họp tổ dân phố, tập văn nghệ, gặp gỡ giao lưu...

Thang máy các tòa nhà đều đã sử dụng khoảng 10 năm, nên không tránh khỏi xuống cấp. Để khắc phục điều này, công ty tổ chức bảo trì thường xuyên, và đảm bảo luôn có một chuyên viên kỹ thuật ứng trực, khắc phục sự cố (nếu xảy ra).
 

Thực trạng KĐT Trung Hòa-Nhân Chính sau gần 1 thập niên sử dụng
Các cụ già tập thể dục buổi chiều, dưới sân tòa nhà 34T
 

Ông Đào Bình Long, Đội trưởng đội bảo vệ công ty Vinasinco thông tin về công tác bảo vệ của KĐT, theo đó, có tổng cộng 250 bảo vệ đảm bảo trực toàn thời gian 24/24h. “Từ khi đi vào hoạt động đến nay, hầu như chưa có vụ trộm cắp lớn nào xảy ra, có chăng là trường hợp người giúp việc tự đánh chìa khóa, trộm cắp của gia chủ”- ông Long khẳng định- “Còn người lạ mặt không thể bê đồ ra ngoài, lọt qua hệ thống camera và bảo vệ. Trường hợp giả nhân viên văn phòng, trà trộn đi phát tờ rơi, quảng cáo rao vặt thì vẫn có”.

Do các tòa nhà bao gồm cả cư dân và văn phòng, nên có bộ phận lễ tân (quản trị) trực từ sáng cho đến 22h hàng ngày. Sau đó lực lượng bảo vệ tiếp quản đến sáng. Công ty cũng thường xuyên phối hợp với CAP sở tại và chốt Cảnh sát cơ động, tuần tra định kỳ 2 buổi/tháng.

(theo anninhthudo.vn)

Loading...