"Thương vụ 700 tỉ đồng giữa Viettel và Vinaconex: Viettel có thua thiệt?" - Trang chủ | Vinaconex

VN

"Thương vụ 700 tỉ đồng giữa Viettel và Vinaconex: Viettel có thua thiệt?"

Thứ 4 , 04/03/2009, 07:24:07 (GMT+7)

(Báo Lao Động) - Viettel đã mạnh tay chi 700 tỉ đồng mua 35 triệu CP của Vinaconex với giá 20.000đ/CP, gần gấp đôi giá CP của Vinaconex trên sàn HaSTC tại thời điểm đó. Nhẩm nhanh thì "đại gia" ngành viễn thông Viettel có vẻ ngờ nghệch trong lĩnh vực xây dựng dân dụng và đầu tư BĐS và thua thiệt gần 300 tỉ đồng.

 Tại sao mua CP với giá gấp đôi?
"Dù khối lượng CP của CTCP xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam Vinaconex (VCG) đăng ký trên HaSTC là gần 150 triệu, nhưng việc mua gom khối lượng tới 35 triệu CP trên sàn với mức giá xung quanh 10.000đ/CP tốn nhiều thời gian, công sức lại không khả thi. Thị trường rất nhạy cảm, sức cầu lớn sẽ đẩy giá lên cao và các nhà đầu tư (NĐT) nắm giữ VCG sẽ liên tục nâng giá. Do vậy, mức giá 20.000đ để có ngay 35 triệu CP VCG là hợp lý" - một chuyên gia tài chính phân tích.

Nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao "ông lớn" ngành viễn thông Viettel lại quan tâm tới lĩnh vực xây dựng dân dụng và đầu tư BĐS trong lúc cả TTCK và thị trường BĐS đang trầm lắng?

Mức lãi công bố gần 9 nghìn tỉ đồng năm 2008 giúp Viettel có mức thặng dư vốn cao và sẵn sàng mở rộng lĩnh vực hoạt động. Việc Viettel thành lập CTCP đầu tư BĐS Viettel (8.2008) và tham gia thành lập Cty tài chính Viettel - Vinaconex (11.2008) (cả hai Cty này đều có vốn là 1.000 tỉ đồng) cho thấy hai định hướng quan trọng: Tài chính và BĐS. Hai lĩnh vực này hỗ trợ Viettel rất mạnh phát triển mảng kinh doanh chính là viễn thông ở trong và ngoài nước trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt.
 
Doanh số hàng nghìn tỉ đồng và hàng nghìn tỉ đồng đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông đòi hỏi Viettel phải có năng lực quản lý tài chính mạnh. Bên cạnh đó, Viettel càng phát triển mạnh viễn thông thì càng cần trụ sở, cần sự hiện diện cả về thương hiệu lẫn độ phủ sóng rộng đặc biệt tại các khu đô thị lớn - một thị trường cần có sự liên kết để chiếm lĩnh.

Cơ hội trong khủng hoảng
Vốn pháp định 1.500 tỉ đồng của Vinaconex thời điểm năm 2008 đã "là chiếc áo chật" so với những dự án mà đơn vị này quản lý. Điểm sơ danh mục mà Vinaconex đang là chủ đầu tư đã lên đến gần 50 dự án với tổng số đầu tư tính bằng đơn vị... tỉ USD: Khu đô thị Bắc An Khánh (Hà Nội), khu Thảo Điền (Q2, TPHCM), Trung tâm Thương mại Chợ Mơ, Nhà máy ximăng Cẩm Phả, Nhà máy cấp nước Sông Đà... Ngoài ra, 84 đơn vị thành viên mà Vinaconex đang giữ CP chi phối cũng là một khối tài sản khổng lồ. Và tất yếu, những dự án lớn của Vinaconex đang cần vốn.

Quyết định tăng vốn từ 1.500 tỉ đồng lên 1.850 tỉ đồng được HĐQT và ĐHCĐ của Vinaconex nhất trí và được UBCKNN thông qua trong bối cảnh cả TTCK và BĐS đang trầm lắng là một thách thức lớn vì nhiều lý do: Thứ nhất, phải đàm phán để được giá tốt trong khi giá CP niêm yết đang sụt giảm mạnh (gần 61% kể từ khi lên sàn). Thứ hai, quy mô phát hành lớn có thể không thành công vì tìm được đối tác đủ tiềm lực tài chính là cả một vấn đề.

Tuy nhiên, từ góc độ của Viettel thì đây lại là một cơ hội vì DN này đang có mức thặng dư vốn lớn. Đàm phán mua trực tiếp toàn bộ số CP phát hành thêm giúp Viettel trở thành cổ đông lớn thứ hai với 18% và được cử đại diện tham gia HĐQT của Vinaconex. Giá Viettel trả để có 35 triệu CP của Vinaconex dù gấp đôi mệnh giá, nhưng nếu không đúng thời điểm trầm lắng này và nếu không thông qua một đơn vị tư vấn trung gian (Viettel không xuất hiện từ đầu như một NĐT muốn mua CP của Vinaconex) thì chưa chắc đã thực hiện được. 

Tất nhiên, Vinaconex “lãi” ngay từ thương vụ này 350 tỉ đồng. Nhưng với 18% CP thì nếu được chia lãi, Viettel cũng là người hưởng lợi. Do vậy, cái giá 20 nghìn/CP chỉ nên được tính là khoảng 18 nghìn/CP mà thôi.

Về phần mình, Vinaconex không chỉ có thêm vốn để phát triển các dự án của mình. Thương hiệu Viettel, hạ tầng viễn thông, di động ở Việt Nam, Lào, Campuchia sẽ góp phần tăng cường giá trị cho các công trình mà Vinaconex đang là chủ đầu tư.

Vụ kết hợp giữa hai Cty lớn VN cho thấy một cơ hội lớn trong khủng hoảng. Trường hợp này đã thể hiện sức mạnh nội lực của các DN Việt khi kết hợp lại với nhau mà chưa cần đến NĐT nước ngoài. Giá VCG đã phản ứng tích cực: Từ mức thấp nhất 11.900đ/CP ngày 24.2 đã  lên mức 14.600đ/CP ngày 3.3 vừa qua.

Theo Báo Lao Động

Loading...