(LĐTĐ) Tiếp tục chọn Vinaconex làm chủ đầu tư dự án dẫn nước sông Đà: Không làm trái luật và nghị định của Chính phủ - T...

VN

(LĐTĐ) Tiếp tục chọn Vinaconex làm chủ đầu tư dự án dẫn nước sông Đà: Không làm trái luật và nghị định của Chính phủ

Thứ 6 , 01/08/2014, 11:02:51 (GMT+7)

LĐTĐ -Việc dự án đường dẫn nước sông Đà do Tổng công ty Vinaconex làm chủ đầu tư có đến 9 lần bị vỡ đường ống nước gây bức xúc dư luận. Và vừa qua, Cục cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C46) đã quyết định khởi tố vụ án này.

Dư luận rất đồng tình khi đưa vụ án ra khởi tố, song cũng đặt ra nhiều câu hỏi vì sao một doanh nghiệp năng lực yếu kém như vậy mà thành phố (TP) vẫn tiếp tục cho làm chủ đầu tư giai đoạn 2 dự án cấp nước sông Đà cho Thủ đô?  Dư luận và nhân dân quan tâm là chính đáng, song vấn đề cần phải nhìn nhận khách quan ở chỗ: Án tại hồ sơ, ai sai phải chịu trách nhiệm, còn việc thi công vẫn phải tiến hành để đáp ứng việc cung cấp nước sạch cho TP vốn rất cấp thiết như hiện nay.

Từ băn khoăn của số ít chuyên gia

Khi hay tin UBNDTP tiếp tục giao cho Tổng công ty Vinaconex làm chủ đầu tư giai đoạn 2 của dự án dẫn nước sông Đà về Hà Nội, nhiều chuyên gia kinh tế và không ít người dân tỏ ra rất băn khoăn. Nói với báo chí, đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm đặt câu hỏi: Vinaconex đang là đối tượng trong quá trình điều tra, thanh tra mà lại được giao làm tiếp việc mà chính Vinaconex đã làm sai. Vấn đề đặt ra tại sao không tổ chức đấu thầu công khai mà UBNDTP Hà Nội lại giao cho Vinaconex làm tiếp? Ông Kiêm dẫn chứng, với một đơn vị yếu kém như Vinaconex thì hầu hết các quốc gia trên thế giới không ai chọn để làm tiếp. Thế nên, việc UBND TP Hà Nội vẫn chọn Vinaconex là đơn vị thi công với lý do đơn vị có vốn, công nghệ, trình độ quản lý và không có đơn vị nào khác ngoài Vinaconex làm được... là không đúng, cần phải xem xét lại. Ông Kiêm đề nghị, với một dự án có quy mô lớn và tính chất xã hội quan trọng lẽ ra TP phải đứng ra mở thầu kể cả mở thầu quốc tế.

Cùng quan điểm với đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm, trao đổi với PV một số chuyên gia cũng cho rằng để tìm ra được đơn vị có đủ năng lực thi công một dự án có ý nghĩa kinh tế- xã hội quan trọng như dự án đưa nước sông Đà về Thủ đô thì UBNDTP nên đấu thầu công khai thay vì chỉ định thầu như hiện nay. Nhất là khi bản thân đơn vị thi công dự án đang bị khởi tố để xác minh, điều tra nguyên nhân việc có đến 9 lần đường ống dẫn nước sông Đà bị vỡ.

Đến lý giải của Thành phố

Ngay sau khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án, đại diện TP đã có cuộc gặp gỡ báo giới để làm rõ những vấn đề mà dư luận và người dân quan tâm,  Phó chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Thịnh cho hay: Sở dĩ thành phố vẫn chọn Tổng công ty Vinaconex tiếp tục là chủ đầu tư dự án đường ống mới vì đã xem xét rất kỹ theo đề nghị của Bộ Xây dựng, ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và đặc biệt là Tổng công ty Vinaconex đã cam kết về chất lượng, vật liệu, tiến độ, nguồn vốn đầu tư… Ông Thịnh cho biết thêm: Sau 9 lần đường ống dẫn nước sạch sông Đà về Hà Nội bị vỡ, mới đây UBND TP Hà Nội đã có văn bản đồng ý với đề xuất của Bộ Xây dựng giao cho Vinaconex lập phương án cụ thể để khởi công tuyến đường ống dẫn nước số 2 trong tháng 8 để bảo đảm ổn định cấp nước cho nhân dân. Và theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, Tổng công ty Vinaconex phải tập trung thi công và hoàn thành trong 3 tháng đoạn từ quốc lộ 21 đến sông Tích, để kết nối với tuyến ống số 1, bảo đảm ổn định cấp nước cho nhân dân. Với phần tuyến đường ống còn lại phải hoàn thành trong thời gian 6 tháng kể từ khi khởi công, nghĩa là trước tháng 4 năm 2015. Đặc biệt, theo ông Thịnh điều hết sức quan trọng dư luận và người dân cần hiểu cho TP là tuyến đường ống cấp nước hay nhà máy nước sông Đà là do doanh nghiệp đầu tư. Tiền của doanh nghiệp chứ không phải của ngân sách.

"Trước sức ép về yêu cầu nước sạch của nhân dân, Hà Nội yêu cầu Vinaconex phải có trách nhiệm cung cấp nước theo hợp đồng đã ký. Và vì vỡ đường ống ảnh hưởng đến nhân dân nên Hà Nội đã yêu cầu Vinaconex phải làm, trong trường hợp nếu như Vinaconex hoặc không doanh nghiệp nào làm được thì TP Hà Nội sẽ đứng ra làm đường ống nước sông Đà để đảm bảo nước sinh hoạt cho dân. Khi đó, thành phố sẽ mua nước với giá bán từ đầu nguồn ngay tại nhà máy chứ không phải cuối nguồn như hiện nay”.

Ông Nguyễn Văn Thịnh

Phó chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội

Và những ý kiến khách quan

Khi PV nêu quan điểm về việc tại sao một nhà thầu thiếu năng lực như Tổng công ty Vinaconex bị vỡ đường ống dẫn nước liên tục để bị cơ quan cảnh sát điều tra tiến hành khởi tố, UBNDTP vẫn chọn Vinaconex thi công giai đoạn 2, chuyên gia tài chính, Chủ tịch Cty BRIC Nguyễn Tiến Thọ cho rằng:  Về lý thuyết, một đơn vị nhận trọng trách thi công một dự án quan trọng là cung cấp nước cho Tp có đến 9 lần bị vỡ đường ống, lại bị cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố vụ án mà Tp lại vẫn tiếp tục cho thi công nghe rất vô lý. Song nhìn nhận sâu vấn đề thì rất có lý. Bởi vì, thứ nhất dự án này do Vinaconex làm chủ đầu tư chứ không phải bằng tiền ngân sách. Thế nên, theo chuyên môn Tp không thể mang ra đấu thầu thay vì chỉ có thể mời thầu mà thôi. Thứ hai, việc Vinaconex tiếp tục triển khai giai đoạn 2 là nằm trong lộ trình đã được Thủ tướng phê duyệt, Bộ Xây dựng chấp thuận nên Tp căn cứ vào các quy hoạch, quy định trên để triển khai. Điều quan trọng, xét trên góc độ quản lý, trên thực tế ngoài Vinaconex hiện chưa có đơn vị nào có kinh nghiệm thi công dự án dẫn nước sông về để xử lý thành nước sạch cho dân sinh. Thế nên, dù có xảy ra sự cố kỹ thuật vỡ đường ống nước, xét cho cùng Vinaconex cũng là đơn vị có kinh nghiệm. Đặt trong bối cảnh, khi nhu cầu nước sinh hoạt đang trở nên cấp bách, nếu TP lại đứng ra mời thầu các công ty khác vào triển khai thì chỉ cần khâu chuẩn bị, phê duyệt dự án phải mất cả vài năm trời, trong khi đó Vinaconex đã có trong tay tất cả: tài chính, cơ chế, sự đồng thuận và họ hứa sẽ hoàn thành trong thời gian sớm nhất. “Vấn đề ở chỗ, lần này UBNDTP đã trao “bi vong lục” cho Vinaconex về những cam kết liên quan đến chất lượng, tiến độ nếu không sẽ bị xử lý theo pháp luật. Và được biết, lãnh đạo Vinaconex đã ký cam kết. Đây chính là những điều kiện cần để UBNDTP Hà Nội tiếp tục để Vinaconex thi công điều này chẳng có gì mâu thuẫn” ông Thọ nói.

Còn chuyên gia tư vấn xây dựng Nguyễn Văn Thạch thì có góc nhìn khá chuyên nghiệp: Ai sai thì có pháp luật trị. Đừng vì những sự cố liên quan đến kinh nghiệm và kỹ thuật lại loại doanh nghiệp ra trong khi đã  bỏ ra rất nhiều tiền để đầu tư. Làm chưa chuẩn thì phải làm cho chuẩn, đấy mới là cách quản trị tốt. Bởi thế, việc UBNDTP Hà Nội tiếp tục chọn Vinaconex thi công giai đoạn 2 không có gì phải nghi kỵ. Điều quan trọng nhất, giờ là lúc không được xảy ra bất cứ sự cố nào liên quan đến việc dẫn nước sông Đà mà thôi.

Tuyến đường ống nước sông Đà do Tổng công ty Vinaconex làm chủ đầu tư với tổng mức khoảng 1.500 tỷ đồng, có công suất 300.000m3 nước/ngày đêm, được đưa vào sử dụng từ năm 2009. Và nay dự án giai đoạn 2 đã được TP chấp nhận cho Vinaconex triển khai đoạn 2 để nâng công suất cung cấp nước lên 600.000 m3/ngày/đêm. Nếu đối chiếu với các quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định số 108/2009/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27/11/2009 về các hình thức đầu tư và Nghị định số 63/NĐ - CP của Chính phủ ngày 26/6/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, thì quyết định của UBND TP. Hà Nội giao cho Vinaconex làm chủ đầu tư là hợp pháp...

L. Hà (baolaodongthudo.com.vn)

 

Loading...