Tue , 08/11/2011, 02:28:06 (GMT+7)
“Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị quốc gia, đến năm 2015, tỷ lệ đô thị hóa của nước ta đạt khoảng 38%, cả nước sẽ có khoảng 870 đô thị các loại, tăng khoảng 125 đô thị so với hiện nay. Với yêu cầu phát triển hệ thống đô thị đồng bộ, hiện đại, bền vững trong bối cảnh đất nước ta đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề của suy thoái kinh tế thế giới và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu toàn cầu, dây thật sự là khó khăn, thách thức đối với tất cả các đô thị”. Đây là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị “Đô thị Việt Nam thân thiện môi trường – phát triển bền vững” do Bộ Xây dựng phối hợp với Diễn đàn Đô thị Việt Nam vừa được tổ chức tại Hà Nội sáng ngày 7/11/2011 vừa qua nhân ngày Đô thị Việt Nam (8/11).
Dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cùng Đoàn Chủ tịch Hội nghị bao gồm đại diện Lãnh đạo Thành phố (thành viên Diễn đàn Đô thị Việt Nam), lãnh đạo Cục Phát triển đô thị, đại diện Ngân hàng Thế giới – WB, đại diện Liên minh Đô thị - CA, đại diện UN HABITAT, đại diện Hiệp hội các đô thị Việt Nam, Hội nghị đã tập trung vào các vấn đề chính:
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trao giấy chứng nhận thành viên của Diễn đàn đô thị Việt nam cho Tổng công ty CP VINACONEX (ảnh: Báo Xây dựng)
Theo số liệu công bố tại Hội nghị, hiện cả nước có trên 630 khu đô thị mới có quy mô từ 20 ha trở lên, với tổng diện tích trên 100.000 ha. Trong đó, kinh tế đô thị dóng góp khoảng 70% GDP cả nước. Hạ tầng xã hội đô thị như bệnh viên, trường học, công viên, công trình văn hóa… đã được quan tâm.
Tuy nhiên, theo Bà Phan Thị Mỹ Linh, Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị - Bộ Xây dựng: với tốc độ phát triển quá nhanh của đô thị như hiện nay đã vượt quá khả năng điều hành của chính quyền địa phương. Cụ thể là năng lực quản lý phát triển đô thị chưa theo kịp thực tế ; phát triển không đồng bộ giữa mở rộng không gian đô thị và chất lượng đô thị; quy hoạch, đánh giá, phân loại, nâng cấp đô thị chưa coi trọng đến đổi mới, nâng cao chất lượng đô thị; nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật đô thị lớn nhưng việc xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong xã hội còn hạn chế. “Đặc biệt, đô thị Việt Nam còn đang đứng trước các vấn đề lớn, phức tạp của quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị như dịch cư, chênh lệch giàu nghèo, nhà ở, việc làm, phát triển vùng ven đô, liên kết đô thị - nông thôn, tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên… và các vấn đề mới nảy sinh mang tính toàn cầu như hội nhập, cạnh tranh đô thị, biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng cao….”., bà Linh nhấn mạnh.
Giấy chứng nhân thành viên Diễn đàn đô thị Việt Nam của TCT CP VINACONEX
Cũng trong Hội nghị, Ngân Hàng thế giới đã công bố kết quả nghiên cứu tình hình đô thị hóa của Việt Nam vừa được WB nghiên cứu năm 2011 vừa qua, theo đó, chênh lệch lớn giữa “giá đất do Chính phủ quy định” và “ giá thị trường” (thường cao gấp hơn 10 lần “ giá nhà nước”) đã trở thành một nguyên nhân của những méo mó và các “ nút cổ chai” trên thị trường đất đai.
Nhằm khắc phục những bất cập trong quá trình phát triển đô thị, các đại biểu đều nhất trí rằng: cần tăng cường thể chế kiểm soát phát triển, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, chính sách về quy hoạch, kế hoạch, đất đai, tạo điều kiện huy động khai thác nguồn lực cho đầu tư cải tạo, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị. Phát triển đo thị đảm bảo nguyên tắc tạo động lực phát triển kinh tế, là hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở mỗi vùng, mỗi địa phương và cả nước theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng, để phát triển tốt hệ thống đô thị Việt Nam, cần có các giải pháp đột phá nhằm thu hút mọi nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển đô thị, để phát triển đô thị thật sự là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời với đảm bảo an sinh xã hội và duy trì phát triển bền vững quốc gia.
Tham dự Hội nghị với tư cách là khách mời doanh nghiệp, thay mặt Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam – VINACONEX, Phó Tổng Giám đốc Đoàn Châu Phong đã cùng 150 đại biểu bao gồm các thành viên Ban điều phối Diễn đàn Đô thị Việt Nam, đại diện các tổ chức trong nước, quốc tế, doanh nghiệp ….. tham gia ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) mở rộng các tổ chức tham gia Diễn đàn Đô thị Việt Nam./.
Hoàng Yến