Hội đồng quản trị (HĐQT) của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (HNX: VCG, Vinaconex) vừa công bố thành lập CTCP Cơ điện Vinaconex (Vinaconex M&E) với vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Trong đó, Vinaconex sẽ nắm 65% vốn, phần còn lại do các tổ chức, cá nhân có năng lực phù hợp tham gia. Giai đoạn 2, công ty sẽ tăng vốn điều lệ lên 200 tỷ đồng khi có nhu cầu theo phương án của Tổng giám đốc Vinaconex.
Vinaconex cũng sẽ thành lập CTCP Trường nhằm quản lý các trường Lý Thái Tổ. Số vốn của Vinaconex góp vào sẽ bằng toàn bộ tài sản cố định hiện các trường đang sử dụng (có tính đến giá trị quyền sử dụng đất) theo giá trị thẩm định của đơn vị tư vấn. Trong đó, tổng công ty sẽ nắm 99,9% vốn của CTCP Trường và 2 cá nhân khác góp 0,1%.
Đồng thời, Vinaconex cũng thành lập Công ty TNHH MTV Vinaconex Láng Hòa Lạc để quản lý, đầu tư dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh Hạ tầng Kỹ thuật Khu CN - CNC2 - Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Doanh nghiệp mới thành lập có vốn điều lệ dự kiến 200 tỷ đồng.
Trụ sở Tổng công ty Cổ phần Vinaconex
Vừa qua, tại Vinaconex đã có sự thay đổi trong cơ cấu sở hữu. 2 cổ đông Nhà nước là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước và Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) đã thoái toàn bộ gần 80% vốn. 3 cổ đông lớn mới xuất hiện là An Quý Hưng sở hữu 57,71% vốn, Công ty TNHH bất động sản Cường Vũ giữ 21,28% vốn và Công ty TNHH Đầu tư Star Invest nắm 7,57%.
Mới đây, Vinaconex thông báo trả cổ tức 2018 bằng tiền tỷ lệ 10%, tương đương 441,7 tỷ đồng dự kiến vào ngày 27/2.
Bên cạnh đó, HĐQT của Vinaconex cũng nhất trí chủ trương trình ĐHĐCĐ thường niên 2019 loại bỏ ngành nghề kinh doanh quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài là 0% và sửa đổi ngành nghề kinh doanh có lĩnh vực quy định tỷ lệ sở hữu khối ngoại là 0% hoặc chưa xác định. Sau khi thực hiện giới hạn room ngoại của VCG sẽ trở về mức 49%.
(Theo Lê Hải - NDH)