Thứ 4 , 05/05/2021, 09:12:17 (GMT+7)
Sau bảy tháng khởi công, dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dần lộ diện, dự kiến khánh thành cuối năm 2022.
Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài 99 km, mặt đường hơn 32 m, quy mô 6 làn xe, vận tốc 120 km/h được khởi công cuối tháng 9/2020. Dự án với hơn 12.500 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành cuối năm 2022.
Sau bảy tháng khởi công, dự án đi qua TP Long Khánh dần hiện rõ trục đường. Đây là đoạn thuộc gói thầu số 4 do liên danh Tổng công ty Thăng Long và Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 6 thực hiện.
Tuyến đường được xây dựng với thiết kế 6 làn xe, tốc độ tối đa 120 km/h. Tranh thủ trời không mưa, nhiều công nhân cho xe lu nền đường, đây được xem là một trong những công đoạn quan trọng nhất trong dự án.
Kỹ sư lấy đất sau khi đã lu nền để kiểm định chất lượng độ chặt của nền đường. "Sau khi lấy đất sẽ tiến hành các công đoạn chuyên môn để xác định độ ẩm, các thông số kỹ thuật rồi tính ra thông số độ chặt của nền", nam kỹ sư nói.
Việc giám sát chất lượng được Ban quản lý dự án Thăng Long (chủ đầu tư dự án) thực hiện thường xuyên để tránh sai sót. "Đây là dự án trọng điểm quốc gia nên các đơn vị thi công trong gói thầu số 4 quán triệt sự nghiêm túc, khoa học theo yêu cầu của chủ đầu tư", ông Lê Anh Tuấn - Chỉ huy trưởng gói thầu số 4 nói.
Gói thầu số 4 chủ yếu băng qua các vườn cao su nên nền đất đỏ khá mềm, phải sử dụng nguồn nguyên liệu đất từ nơi khác đến đắp nền. Trước khi đổ nền, đơn vị thi công cho xe ủi lớp đất đỏ.
Tuy nhiên, hiện nay việc nguyên liệu đất đắp đường vẫn còn thiếu do một số mỏ chưa đưa vào khai thác.
Trước khó khăn trên, Bộ Giao thông Vận tải đã đề nghị Đồng Nai ưu tiên tạo mọi điều kiện thuận lợi đẩy nhanh thủ tục đảm bảo cung cấp vật liệu cho dự án.
Việc xác định cao độ, tọa độ tim đường được các kỹ sư ghi chép cẩn thận. Theo ông Tuấn, dù gặp những khó khăn khách quan song cán bộ kỹ sư, công nhân vẫn cố gắng hết sức để hoàn thành tiến độ đề ra, đồng thời cũng đảm bảo chất lượng công trình.
Công trường cầu vượt trên gói thầu số 4 qua xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai. Ngoài 16 km đường, gói thầu số 4 còn có 10 cầu vượt cắt ngang và hai khu vực xây đường gom dân sinh.
Công nhân buộc thép, chuẩn bị đổ bêtông trụ cầu vượt. Theo đơn vị thi công, cầu vượt này nằm trong tuyến đường đã được Đồng Nai quy hoạch nên sẽ làm trước. Cầu cao 4,75 m so với mặt đường cao tốc, đủ điều kiện cho các xe qua lại an toàn, đảm bảo đúng quy định.
Khu vực nhà máy đổ bêtông được xây tạm bên đường cao tốc để thuận lợi cho việc xây dầm cầu, cống trên toàn tuyến. Theo Ban quản lý dự án Thăng Long, toàn tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có 4 gói thầu, trong đó gói thầu số 3 và 4 đi qua Đồng Nai; gói thầu số 1 và 2 đi qua tỉnh Bình Thuận.
Một trụ cầu đã được xây dựng xong, chờ lắp dầm vượt qua tỉnh lộ 765 ở huyện Xuân Lộc. Công trình thuộc gói thầu số 3 của dự án do liên danh Công ty Vinaconex và Trung Chính thi công, dài 33,5 km.
Cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây khi hoàn thành sẽ rút ngắn hành trình từ TP HCM đến trung tâm du lịch Phan Thiết - Mũi Né còn 2-2,5 tiếng thay vì 4-5 tiếng đi trên quốc lộ. Cao tốc sẽ kết nối với sân bay Long Thành, tạo nên trục giao thông liền mạch giữa TP HCM - Long Thành - Phan Thiết.
Dự án được đánh giá có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của Bình Thuận và các vùng lân cận.
Cùng với đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, đoạn Phan Thiết - Dầu Giây là một trong những dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc Nam được chuyển đổi từ hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công, dự kiến hoàn thành vào năm 2022.
(Theo vnexpress.net)