Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị kiểm tra đường Láng - Hòa Lạc và làm việc với Vinaconex - Trang chủ | Vinaconex

VN

Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị kiểm tra đường Láng - Hòa Lạc và làm việc với Vinaconex

Thứ 7 , 31/10/2009, 09:02:37 (GMT+7)

  Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị kiểm tra đường Láng - Hòa Lạc và làm việc với Vinaconex Sáng ngày 30/10/2009, đồng chí Phạm Quang Nghị Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư thành ủy Hà Nội đã đi kiểm tra và làm việc với Vinaconex về dự án đường Láng – Hòa Lạc. Đồng chí đã nghe chủ tịch HĐQT Vinaconex Nguyễn Văn Tuân, đại diện Tổng thầu báo cáo những vướng mắc khó khăn còn tồn tại như về giải phóng mặt bằng; về đơn giá vật liệu xây dựng bởi hiện nay giá nhiều loại vật liệu không còn phù hợp; về biện pháp xử lý kỹ thuật hạng mục gia cố cọc đất - xi măng hầm chui đường sắt; về một số đoạn trên tuyến cao độ đường gom qua thấp so với cốt nền các khu đô thị trong khu vực; và về việc đổ chất thải được vận chuyển từ pham vi thành phố làm mất vệ sinh môi trường, không đảm bảo giao thông và gây tốn kém kinh phí cho nhà thầu bởi cứ phải giải phóng các đống chất thải đó.

  
 Tại buổi làm việc, Bí thư thành ủy cho rằng: “ Đường cao tốc Láng – Hòa Lạc là một dự án rất lớn, có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt, đồng thời đây là công trình trọng điểm chào mừng 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Trong các công trình trọng điểm, công trình này có ý nghĩa đặc biệt, lớn về quy mô, có ý nghĩ với việc phát triển kinh tế xã hội kể cả an ninh quốc phòng. Chúng ta đang xây dựng quy hoạch chung thủ đô Hà Nội sau khi hợp nhất, trục đường Láng – Hòa Lạc sẽ là trung tâm của Hà Nội trong tương lai, cho nên ý nghĩa đó không chỉ ở mặt giao thông nó là con đường hiện đại nhất Việt Nam. Vì thế đã được sự quan tâm rất lớn của Chính phủ, của các bộ, ngành trung ương đặc biệt là của thành phố Hà Nội. Trung ương và Chính phủ đã “chọn mặt gửi vàng” lựa chọn đơn vị tổng thầu có tiềm lực, có kinh nghiệm và có khả năng tổ chức thực hiện dự án quan trọng này là Vinaconex. Đơn vị chủ đầu tư cũng là đơn vị quản lý Nhà nước hàng đầu là Bộ Giao Thông. Tóm lại, chúng ta đã tập trung sự quan tâm và ưu tiên tối đa cho công trình có ý nghĩa lớn này”.
 
 
 Đồng thời đồng chí Bí thư cũng hoan nghênh và đánh giá cao sự cố gắng rất lớn của tất cả các lực lượng, các đơn vị liên quan, các nhà thầu. Đặc biệt sự phối hợp của các sở, ngành, quận, huyện của thành phố Hà Nội liên quan đến giải phóng mặt bằng, trong việc giải quyết cơ chế chính sách, những vấn đề phát sinh, cố gắng vượt qua những khó khăn về tài chính, về khủng hoảng kinh tế, về thiên tai. Bên cạnh đó, Đồng chí cũng đã chỉ đạo chủ đầu tư kịp thời tháo gỡ những vướng mắc phát sinh như vấn đề đơn giá, xem xét về cao độ của đường gom. Thành phố phải quyết liệt hơn nữa trong việc giải phóng mặt bằng, cái gì vận dụng được về cơ chế thì phải vận dụng tối đa đừng để dân thiệt, phải vận động tuyên truyền và giải thích rõ cho dân. Các sở ngành như kiến trúc quy hoạch, xây dựng và công an phải phối hợp hơn nữa trong việc ngăn chăn đổ phế thải, trong 2 tháng nữa phải chỉ ra được 4 điểm đổ phế thải ở 4 hướng của thành phố. Về chính sách giá cả, sở tài chính cần chủ động và linh hoạt hơn. Về phía Tổng thầu và các nhà thầu cần huy động các nguồn lực thi công phù hợp hơn với từng thời điểm nhằm đảm bảo về tiến độ và chất lượng công trình để chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội./.
 
Nằm trong quy hoạch chung chuỗi đô thị Xuân Mai- Miếu Môn- Hòa Lạc- Sơn Tây, Đường Láng – Hòa Lạc được xác định là tuyến đường cao tốc, là trục hướng tâm nối liền trung tâm Hà Nội với chuỗi đô thị phía Tây, nối liền các tuyến thuộc hệ thống trục giao thông gồm đường vành đai II, vành đai III, vành đai IV(quy hoạch) của Hà Nội, QL 21A (đường Hồ Chí Minh) và các đường tỉnh lộ 70, tỉnh lộ 80, tỉnh lộ 81…Tổng chiều dài tuyến là 29,264 km, điểm đầu tại Km1+800(nút giao Vành đai III) và điểm cuối tại Km31+64 (nút giao Hòa Lạc nối QL 21A). Chiều rộng nền đường là 140 m gồm 4 phần; đường cao tốc, đường gom, giải lưu không giữa đường cao tốc và đường gom, dải dự trữ giữa hai làn cao tốc.
Trên toàn tuyến bố trí 3 nút giao lập thể tại TL70, TL80 và nút giao Hòa Lạc. Có 13 cầu vượt sông, kênh, mương; 27 cầu chui dân sinh, cầu chui ô tô; 12 cầu vượt nút giao; 3 hầm chui. Các hạng mục kỹ thuật theo đường gồm : tuyến đường sắt trên cao theo quy hoạch được đặt tại dải lưu không; tuyến truyền tải nước từ nhà máy nước sạch Sông Đà về Hà Nội; hệ thống tuynel kỹ thuật và các tuyến đường điện phục vụ cho các khu đô thị mới được quy hoạch dọc 2 bên tuyến.

Vĩnh Hà - T/C Người XD

Loading...